Những đường phố chính như: Nguyễn Văn Cừ, Hồ Tùng Mậu, Trần Phú, Nguyễn Thị Minh Khai, ... tràn ngập các loại biển, chúng che kín bề mặt kiến trúc, nhiều biển có kích thước lớn bằng cả công trình, án ngữ các góc phố chính, nhấp nhô, loè loẹt, lênh khênh trên những khung sắt, phô diễn các ngôn từ, hình ảnh trong những cuộc đua tranh không có hồi kết.
Tuy nhiên, quảng cáo vẫn là một phần không thể vắng mặt trong không gian đô thị hiện nay, cho dù ta có ghét bỏ nó. Nền kinh tế thị trường đòi hỏi quảng cáo là một phần tất yếu trong chu trình hoạt động của một sản phẩm, từ hoạt động thương mại đến giáo dục hay thậm chí là chính sách. Đô thị mà cụ thể là các đường phố là không gian thích hợp nhất để làm quảng cáo bởi nó có khả năng thu hút được sự nhận biết của đông đảo con người hoạt động trên đường.
Rõ ràng quảng cáo không thể là điều cấm kỵ. Vậy quản lý nó thế nào ? Trách nhiệm thuộc về ai? đang đòi hỏi phải có câu trả lời và kiến trúc sư chắc chắn không phải là người đứng ngoài cuộc.
1. Quảng cáo là lớp không gian thứ 2 trong đô thị cần được thiết kế
Việc tổ chức không gian đô thị, đặc biệt là ở các tuyến phố thương mại, dịch vụ quảng cáo là lớp không gian thứ 2, lớp vỏ của lớp không gian kiến trúc, nó là lớp không gian thực mà chúng ta tiếp cận, quan sát và cảm nhận hàng ngày. Vì vậy không thể phủ nhận tầm quan trọng của nó trong việc tổ chức không gian đô thị, loại bỏ nó trong quá trình nghiên cứu quy hoạch, thiết kế đô thị và thiết kế công trình. Tuy nhiên đây lại đang là khâu bỏ ngỏ trong quá trình thiết kế, quy hoạch hiện nay.
Khi một kiến trúc sư thiết kế một ngôi nhà mặt phố, cho dù biết chủ nhà sẽ có thể cho thuê tầng trệt để làm cửa hàng, hoặc cả phần mặt trước làm cửa hàng, rất ít KTS nghĩ đến việc sẽ bố trí vị trí của các biển hiệu quảng cáo mà thường chỉ chú ý đến vẻ đẹp của bản thân kiến trúc ngôi nhà. Vì vậy, khi ngôi nhà được đưa vào hoạt động, các biển quảng cáo cho cửa hàng xuất hiện có thể che khuất một phần hoặc toàn bộ công trình, kiến trúc ngôi nhà trở nên thứ yếu trước nhu cầu quảng cáo. Với đặc điểm nhà chia lô có cửa hàng là dạng kiến trúc phổ biến ở các đường phố đô thị nước ta hiện nay thì tình trạng quảng cáo không ăn nhập với kiến trúc, làm biến dạng cảnh quan kiến trúc đang khiến thẩm mỹ đô thị thêm yếu kém.
Các biển quảng cáo luôn muốn được đặt ở vị trí có thể quan sát được rõ nhất, nội dung quảng cáo luôn muốn được ấn tượng nhất. Điều này mâu thuẫn với việc tổ chức không gian đô thị, khi mà người thiết kế luôn lấy hình khối, tỷ lệ công trình, phối kết cảnh quan… làm vật liệu chủ đạo để tạo tính thẩm mỹ của không gian. Ví dụ thường thấy là các hướng nhìn ra công viên, hồ nước, không gian mở vốn được quan tâm trong quy hoạch thì lại bị án ngữ bởi các biển quảng cáo khổ lớn.
Vậy cần có quan điểm rõ ràng, quảng cáo là một loại hình, một bộ phận của không gian nhưng không phải là yếu tố chủ đạo, làm biến đổi không gian mà phải được cân nhắc, được định hình đề xuất trong quá trình quy hoạch, thiết kế đô thị, thiết kế công trình để có tiếng nói chung.
2. Thiết kế quảng cáo gắn liền với công trình
Cách quảng cáo phổ biến hiện nay chủ yếu là dùng biển hiệu và đây cũng là cách thường gây hiệu quả tiêu cực nhất đối với công trình kiến trúc. Trong khi thủ pháp gắn liền quảng cáo với thiết kế kiến trúc chính là cách quảng cáo có hiệu quả, dễ gây ấn tượng và đảm bảo được sự hài hoà về thẩm mỹ chung. Cách quảng cáo này rất phù hợp với các công trình mà chủ của nó xác định vị trí kinh doanh ổn định, loại hình mặt hàng kinh doanh ổn định.
Có vô vàn cách sáng tạo để gắn liền kiến trúc với việc quảng cáo. Một restauran của khách sạn có con cá lớn ở trên nóc, một quán cà phê có hình chiếc cốc, một quán ăn mang phong cách miền tây nước Mỹ với dáng nhà xiêu vẹo, một toà nhà kinh doanh đồ da túi xách có hình dáng cả toà nhà như một túi xách da, hay đơn giản hơn là hàng chữ, biểu tượng điêu khắc gắn liền trên công trình....đều là những cách làm có thể tham khảo học tập. Với cách làm này dễ hơn cho các nhà quản lý bởi khi duyệt phương án kiến trúc họ sẽ duyệt luôn cả hình thức quảng cáo xét trên các khía cạnh tác động đến kiến trúc đô thị. Khắc phục nhược điểm hiện nay là để cho các cơ quan văn hoá thông tin cấp duyệt quảng cáo trong khi bản thân họ không có các kiến thức cần thiết về thiết kế đô thị.
Tuy nhiên với các công trình thương mại, văn phòng mà mặt hàng, đối tượng sử dụng chưa được xác định thì yếu tố quảng cáo tất yếu vẫn phải đi sau kiến trúc. Trường hợp này việc dự kiến các khu vực treo biển hiệu, cân nhắc trước về hướng nhìn, tầm nhìn để xác định tỷ lệ biển hiệu phù hợp cũng cần được dự kiến trong phương án kiến trúc. Đóng khung vị trí, quy mô kích thước biển hiệu quảng cáo ngay trong quá trình thiết kế là điều kiện tốt để khống chế sự xếp đặt bố trí lộn xộn, tuỳ tiện sau này.
3. Quảng cáo gắn liền với nghệ thuật công cộng
Quảng cáo đô thị có vô số mục tiêu, có mục tiêu là giới thiệu trực tiếp sản phẩm nhưng có mục tiêu là thu hút mọi người đến địa điểm cửa hàng. Cũng như chiêu thức cho phép khách hàng đi thử xe là cách hút khách hàng đến cửa hàng trước, quảng cáo xe sau trong quá trình khách hàng đi thử và hiệu quả là người sau khi ngồi thử xe chắc chắn sẽ có thêm thiện cảm, tăng thêm quyết tâm mua sắm.
Thiết kế quảng cáo đô thị thông qua nghệ thuật công cộng hoặc thiết kế quảng cáo như một tác phẩm nghệ thuật công cộng đều là cách làm hay nhằm thu hút khách hàng. Nghệ thuật công cộng cũng có sức hút mạnh với thị giác, cũng có khả năng biểu đạt ý nghĩa rõ nét và vì vậy rất gần với mục tiêu quảng cáo.
Có nhiều thủ pháp về làm quảng cáo thông qua nghệ thuật công cộng đô thị. Những bức tượng người ngó nghiêng trên đường phố như những người mua sắm tạo nên một sự hấp dẫn đối với tuyến phố, một đài phun nước đẹp cho mọi người đến ngồi nghỉ và ngắm nhìn vào cửa hàng, một bức tranh tường bên ngoài quán, một tổ hợp nghệ thuật xếp đặt …đều có thể góp phần tạo sự hấp dẫn và quảng cáo cho công trình.
4. Quảng cáo trên tiện nghi đô thị
Với đường phố ở đô thị Việt Nam, tiện nghi đô thị còn ít nhưng qua sự phát triển, nó sẽ xuất hiện nhiều và là cơ hội cho quảng cáo. Ghế nghỉ, hành lang cầu, trạm điện thoại, thùng rác, chỗ trông xe, chòi nghỉ ...đều là những chất liệu để lồng ghép các ý tưởng quảng cáo phù hợp. Một chiếc nhế nghỉ trên hè đi bộ ngoài cửa hàng đồ chơi có thể có màu sắc và hình thù ngộ nghĩnh như đồ chơi trong cửa hàng, các thùng rác quảng cáo cho vật liệu tái sinh…đều là những dạng quảng cáo có thể được chấp nhận.
Quảng cáo về đêm: Thế mạnh của quảng cáo về đêm là ấn tượng mạnh của màu sắc ánh sáng. Một hệ thống đèn tốt có thể tạo ra ấn tượng mạnh hơn nhiều với những pa nô khổ lớn trong khi về mặt khối tích nó không chiếm diện tích của công trình. Hệ thống ánh sáng làm quảng cáo có thể tạo cho sự nhận biết ở khoảng cách xa, có thể kết nối hệ thống quảng cáo trên các toà nhà cao tầng, có thể tạo các nhịp điệu ánh sáng như những cuộc trình diễn… Chính vì vậy đây cũng là xu hướng cần được nghiên cứu khai thác.
Còn rất nhiều các khía cạnh, những thủ pháp về làm quảng cáo, những bàn luận trên chỉ nhằm khẳng định: Quảng cáo đô thị không phải là công việc của những người làm biển hiệu và những người chỉ ra chỗ cho phép treo nó. Đó là một phần của nghệ thuật xây dựng đô thị mà người tham gia là kiến trúc sư, thiết kế đô thị, là nhà điêu khắc, hoạ sỹ, kỹ thuật điện tử, âm thanh… Đây đòi hỏi một sự thay đổi nhận thức toàn diện trong thiết kế, xây dựng và quản lý hệ thống quảng cáo đô thị hiện nay.
5. Xây dựng quy trình thiết kế và quy trình quản lý
Hiện nay công tác quảng cáo đô thị đang giao toàn quyền cho các cơ quan văn hoá quản lý, thiếu hẳn bước thiết kế đô thị làm định hướng khung cho quảng cáo, dẫn đến các nhà làm quảng cáo và các nhà quản lý hết sức lúng túng dẫn đến thực hiện tuỳ tiện. Đã đến lúc phải có những quy định cụ thể hơn cho việc thiết kế quảng cáo trong đô thị mà nội dung Thiết kế đô thị phải có một vai trò quan trọng trong việc đề xuất yêu cầu, nguyên tắc kiểm soát quảng cáo. Thiết kế đô thị đề xuất những khu vực được làm quảng cáo, các hướng nhìn không được xâm phạm và các chỉ tiêu cụ thể để kiểm soát như về tỷ lệ phần trăm diện tích quảng cáo, vị trí, màu sắc, ánh sáng, vật liệu quảng cáo trên công trình…Chỉ có thông qua Thiết kế đô thị các yếu tố kiểm soát đô thị mới được cụ thể hoá để đảm bảo tính thẩm mỹ chung.
Như vậy, ngay từ công tác đào tạo, người KTS Thiết kế đô thị cũng phải được đào tạo về kiến thức quảng cáo mới có thể đề ra những quy định kiểm soát phù hợp. Các trường đào tạo mỹ thuật công nghiệp, nghệ thuật cũng cần trang bị các kiến thức về quảng cáo đô thị cho các học viên, có như vậy mới có thể có quan điểm, giải pháp tốt trong quá trình thiết kế.
Về quản lý cần thiết có sự phối hợp giữa Sở văn hoá các tỉnh thành với cơ quan quản lý đô thị để phối hợp kiểm soát về nội dung quảng cáo với vấn đề thẩm mỹ đô thị. Tránh hiện tượng cho phép làm quảng cáo tuỳ tiện như hiện nay.
Hãy làm cho quảng cáo trở thành một nét đẹp tô điểm cho không gian đô thị, mang hơi thở của cuộc sống, tích cực dọn dẹp những loại rác - quảng cáo thiếu văn hoá, đó là những việc làm cấp thiết để xây dựng những đô thị của chung ta ngày càng văn minh, sạch đẹp.
Hãy đến với VI-TEC để bạn có một biển quảng cáo ưng ý và phù hợp nhất.Hãy liên hệ với chúng tôi ngay bây giờ để được tư vấn miễn phí. Mọi thông tin xin vui lòng liên hệ:
CÔNG TY TNHH QUẢNG CÁO VÀ CÔNG NGHỆ VI-TEC
ĐC: SỐ 156 HÀ HUY TẬP, TP VINH, TỈNH NGHỆ AN
HOTLINE: 0966 204 777 (OR ZALO)
EMAIL: [email protected] |